Nhiều năm trước, Shophouse khối đế ở các chung cư được xem là phân khúc tiềm năng của các chủ đầu tư dự án và giới đầu tư bất động sản. Còn hiện nay, thị trường shophouse khối đế ở các vùng ven TP.HCM vô cùng ế ẩm, loay hoay tìm hướng phát triển để phù hợp để thích ứng với thị trường.

Nhiều căn shophouse khối đế bị bỏ trống tại một dự án trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7
Shophouse – Ế nhưng giá vẫn cao
Trước đây, Shophouse khối đế được xem là những căn có vị trí đẹp nhất trong một dự án chung cư . Đây là phân khúc có khả năng sinh lời do kết hợp được nhiều công dụng và chức năng, như để ở, kinh doanh hoặc cho thuê lại. Tuy nhiên, các căn Shophouse hiện nay lại lâm vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”.
Đơn cử là dự án Dream Home Luxury ở quận Gò Vấp, TP.HCM được đưa vào hoạt động từ những năm 2015. Thời điểm đó, các căn shophouse khối đế được đánh giá là điểm sáng về mặt bằng bán lẻ. Chính vì vậy, giá các căn shophouse tại đây không hề rẻ.
Ở thời điểm mở bán, chủ đầu tư ra giá tới hơn 2 tỷ đồng/lô. Hiện tại, số lượng cư dân gần như đã được lấp đầy, nhưng ngoài một số shophouse được khai thác kinh doanh, đa số vẫn để không.
Một dự án khác là chung cư Belleza thuộc quận 7, TP.HCM hiện cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng ngàn căn hộ được bàn giao cho người dân, nhưng chỉ có lác đác vài cửa hàng mở ra. Căn khu vực tầng trệt đã ế, các tầng trên lại còn ảm đạm hơn.
Cách đó không xa là Dự án The Park Residence thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng từ cuối năm 2018, nhưng đa số các tầng vẫn trong cảnh “lốm đốm da beo”. Dự án nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, nhưng các shophouse khối đế lại liên tục được dán thông báo cho thuê mặt bằng.
Mặc dù các căn shophouse khối đế vùng ven không còn được ưa chuộng như trước, nhưng theo khảo sát, nhiều shophouse vẫn được rao bán với giá cao ngất ngưởng.
Ví dụ, một dự án ở quận 7 đang rục rịch tung ra hơn 400 căn shophouse khối đế, chào bán với giá khoảng 90 triệu đồng/m2. Một số dự án mới được xây dựng như Phú Mỹ Hưng Saigon South Residence, Sunrise Riverside có mức giá cho shophouse trung bình là 60 – 70 triệu đồng/m2.
Cân nhắc khi đầu tư vào shophouse
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thực chất shophouse đúng phải gọi là cửa hàng, cơ sở thương mại, không phải là nhà ở, nên không thể gọi là “house”. Khách hàng có thể ngộ nhận là họ có thể vừa kinh doanh, vừa sử dụng để ở, nhưng thực tế thì lại không.
Chưa kể, shophouse khối đế không được sở hữu lâu dài. Những shophouse khối đế tại các tòa nhà chung cư hiện vẫn chưa rõ ràng về tính chất pháp lý. Thông thường, các một shophouse chỉ có hợp đồng mua bán với thời hạn 50 năm.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D, Công ty DKRA Việt Nam nhận định rằng, khó khăn lớn nhất của loại hình này là việc vừa thừa vừa thiếu nguồn cung ứng mặt bằng bán lẻ.
Đối với khu vực trung tâm, dù giá thuê cao nhất thị trường, nhưng tỷ lệ lấp đầy vẫn luôn đạt 100%, hầu như không có mặt bằng để cho thuê. Trong khi đó, ở khu vực ngoại thành, nguồn cung dồi dào, giá thuê thấp hơn, nhưng lại rất khó cho thuê.
Nguyên nhân ở đây là do năng lực quản lý khai thác khối đế của chủ đầu tư và đơn vị khai thác còn khá yếu, ngoài ra cung chưa có các chính sách hỗ trợ khách thuê hợp lý, ông Hoàng cho biết.
Trong khi đó, Giám đốc bộ phận thị trường JLL Việt Nam – bà Bùi Trang nhận xét, đối với các shophouse ở khối đế chung cư, thị trường đã trở nên cạnh tranh hơn trước. Trong khi đó, shophouse thấp tầng tại các khu đô thị trở thành hàng hiếm do quỹ đất ở thành phố ngày càng hạn hẹp, nhu cầu sở hữu nhà gắn với đất của người Việt lại rất cao.
Việc mô hình shophouse khối đế vắng khách còn do một số chung cư thiết kế không thuận tiện cho khách mua ngoài, chỗ dừng, đậu xe không phù hợp.
Hơn thế nữa, vì lý do an ninh nên một số chủ đầu tư đã cố ý hạn chế cư dân bên ngoài vào mua sắm tại các shophouse. Còn với các dự án có quy mô nhỏ, ít cư dân, người thuê shophouse lại không mặn mà vì khách hàng không nhiều, không thể đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Tổng hợp bởi Trang tin bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam